Thứ Bảy, 5 tháng 10, 2024

VẦN - VẦN THÔNG - GIEO VẦN

 


VẦN - VẦN THÔNG - GIEO VẦN

GIEO VẦN

✿✿✿✿✿✿✿✿✿✿✿✿✿✿✿✿✿

GIEO VẦN

Có bốn điều HỆ TRỌNG nên nhớ trong GIEO VẦN Quốc ngữ:

1. Trong sự gieo vần Quốc ngữ, có ba âm: A, Ă, Â rất thường được GHÉP với một phụ âm khác như C,

M, N, P, T để tạo thành âm GHÉP như: AC, ĂC, ÂC... AM, ĂM, ÂM... AN, ĂN, ÂN... AP, ĂP, ÂP... AT, ẮT, ẤT vv...

Những vần GHÉP nói trên CHỈ thông được với nhau khi có cùng một phụ âm đứng trước!

Ví dụ:

- BÁT thông được với BẮT hay BẤT,

mà KHÔNG thông được với CẮT hay CẤT hoặc MẮT hay MẤT...

tuy nhiên BÁT thông được CÁT hay MÁT vì chúng đều có âm GHÉP "AT" theo sau.

- TAM thông với TĂM hay TÂM,

mà KHÔNG thông với CĂM hay CÂM, cũng không thông được với TRĂM hay TRÂM...

tuy nhiên TAM thông được với CAM, TRAM, vì chúng có cùng âm GHÉP "AM" theo sau.

- TAN thông với TĂN hay TÂN, mà không thông với VĂN hay VÂN

- LAM thông với LĂM, LÂM, nhưng không thông với BĂM, BÂM, TRĂM, TRÂM

- QUAN thông với QUĂN, QUÂN, nhưng không thông với CHĂN, CHÂN, NHĂN, NHÂN, v.v...

Đó là do cách hiệp vận do âm điệu điều hoà mà thành lệ.

2. VẦN GHÉP:

a. Khi có vần GHÉP bằng 2 hoặc 3 chữ nguyên âm với một chữ phụ âm đứng cuối, (Ví dụ như: IÊN, UYÊN, UÂN, UÔN, ...) ta nên lấy 2 chữ cuối cùng để làm VẬN CĂN mà gieo vần,

Cho nên

- EN, IN, vần với YÊN hay UYÊN

- ÂN vần với UÂN

- ƠN vần với OAN

- ON vần với UÔN

b. Khi có vần GHÉP bằng 2 hay 3 chữ nguyên âm với 2 chữ phụ âm

(Ví dụ như chữ: ƯƠNG...) thì ta nên lấy 3 chữ cuối mà làm VẬN CĂN để GIEO VẦN

Cho nên: ƯƠNG vần với ANG,

Cũng nên nhớ: ƯƠNG vần với UÔNG vì Ơ vần với Ô,

nhưng UÔNG không vần với ANG vì Ô không vần với A.

3. Khi có vần GHÉP bằng 2 hay 3 nguyên âm:

Khi có loại âm này thì ta nên THEO ÂM ĐIỆU mà lấy 1 hay 2 chữ ấy mà làm VẬN CĂN

Ví dụ:

- OA, OE, UÊ, UY... thì vận căn là A, E, Ê, Y;

nên OA vần với A, OE vần với E, UÊ vần với Ê, UY vần với I hay Y.

- UÂY vần với ÂY

Những vần IA, UYA, UA, ƯA, thì vận căn lại ở chữ I, Y, U, Ư mà chữ a đứng ở cuối tiếng không có ảnh hưởng gì cả.

- I vần với IA

- A vần với IA trong chỉ duy nhất một chữ GIA,

mà không vần với IA bắt đầu bằng phụ âm khác như TIA, KIA...

- Ư vần với ƯA

- Ô vần với UA, vv...

4. LƯU Ý:

- Hai tiếng đồng âm và đồng nghĩa thì không vần được với nhau

- Hai tiếng đồng âm mà khác nghĩa thì vần với nhau được.

✿✿✿✿✿✿✿✿✿✿✿✿

CÁC KIỂU GIEO VẦN:

1. CƯỚC VẬN (Vần chân):

Cước vận là các vần nằm ở cuối câu, nghĩa là các chữ ở cuối câu vần với nhau. Đa số các thể thơ đều là cước vận.

2. YÊU VẬN (Vần lưng):

Yêu vận là vần được gieo ở giữa câu, nghĩa là chữ cuối của câu trên vần với một chữ nằm ở giữa câu dưới,

3. VẦN TIẾP:

Chữ cuối của 2 câu liên tiếp vần với nhau và các cặp bằng trắc xen kẽ tiếp nhau.

4. VẦN CHÉO:

Trong một khổ 4 câu, chữ cuối câu 1 vần với câu 3 và chữ cuối câu 2 vần với câu 4.

5. VẦN ÔM:

Trong 1 khổ thơ 4 câu

- Chữ cuối câu 1 vần với chữ cuối câu 4

- Chữ cuối câu 2 vần với chữ cuối câu 3.

6. VẦN 3 TIẾNG (3 vần):

Chữ cuối các câu 1, 2 và 4 của khổ thơ vần với nhau.

7. VẦN CÁCH:

Trong một khổ 4 câu, chữ cuối câu 2 vần với câu 4.

8. VẦN NỐI:

Chữ cuối của câu 2,3 vần với nhau và Chữ cuối câu 4 vần với chữ cuối câu 1 khổ tiếp theo.

9. VẦN SÓNG:

Trên câu thơ tiếp theo bắt buộc có vần như vần kết thúc của khổ trên nó, vần sẽ được sắp theo dạng sóng theo bảng luật.

10. VẦN LEO:

Trên khổ thơ tiếp theo bất cứ vị trí nào, bắt buộc có vần như vần kết thúc của khổ trên nó

 

 

✿✿✿✿✿✿✿✿✿✿✿✿

TRONG LÀM THƠ CHÚNG TA CÓ 4 CÁCH GIEO VẦN SAU:

- CHÍNH VẦN

- THÔNG VẦN

- CƯỠNG VẦN

- LẠC VẦN

a. CHÍNH VẦN (Chính vận)

Là những vần ăn khớp chặt chẽ với nhau (ví như anh em ruột vậy)

Ví dụ:

A với A

I với I

AI với AI

ONG với ONG

v.v....

Gọi là chính vận (vần nào ăn khớp chặt chẽ với vần nấy)

b. THÔNG VẦN (Thông vận)

Là những vần cùng nhóm, hơi khác nhau một chút nhưng có thể tương thông với nhau. Nói nôm na là “hơi khác nhau, nhưng nghe... lọt tai” (ví như anh em chú bác ruột vậy).

Ví dụ:

A với OA

I với E, Ê, IA, UY

AI với AY, ÂY

EM với ÊM, IM, IÊM

ANH với INH, ÊNH, UYNH

ANG với OANG, ƯƠNG

ONG với ÔNG, UNG

v.v...

Gọi là thông vận (vần hơi khác loại nhưng ăn thông với nhau được)

c. CƯỠNG VẦN (Cưỡng vận):

Là vần ép, vần cưỡng bách, bản thân chúng không liên quan với nhau mấy (bà con quá xa, xa 5,7 đời) thực chất thì không thông nhau được, nhưng miễn cưỡng dùng ép cũng... tạm được.

Tất nhiên cưỡng vận chỉ được dùng khi... bí vận mà thôi. Miễn cưỡng thì cũng được, nhưng nếu dùng nhiều quá thì sẽ làm giảm hoặc mất giá trị bài thơ

Thí dụ :

AN với ANG

ON với OM

ƠN với ƠM

ÔN với ÔM

UÔN với ƯƠNG

IN với INH, IM, ÊM, IÊM...

v.v.....

gọi là cưỡng vận (vần ép, vần cưỡng bách)

d. LẠC VẦN (Lạc vận):

Là các chữ vần mà chả có ăn nhập vần gì với nhau cả

Ví dụ:

Ơ với ƠI

A với AI, IA

Ô với ÔI, ÔN, ÔNG

ƠI với ƠN

AI với AN, ANG

v.v...

Gọi là lạc vận (không hòa vận)

Trong 4 cách hòa vận nói trên, khi làm thơ, nếu dùng:

- Chính vận thì chặt chẽ, nhưng cũng đôi khi tạo cho người làm thơ cảm giác gò bó, không linh động.

- Thông vận là cách hòa vận thoải mái nhất, làm cho bài thơ trở nên đặc sắc, biến ảo vô cùng, giúp người làm thơ thoải mái hơn, dễ dùng chữ hơn.

- Cưỡng vận là vần ép, miễn cưỡng cũng có thể dùng được, nhưng nếu sử dụng cưỡng vận nhiều quá, sẽ làm giảm giá trị câu thơ.

Cả ba cách hòa vận nói trên đều dùng được

Chỉ riêng LẠC VẬN là phải tuyệt đối tránh, gieo vần lạc vận kể như bài thơ hỏng!!!

---------------------------------

LƯU Ý: CƯỠNG VẬN hay THÔNG VẬN

Một vấn đề thường hay gây ra tranh cãi là bản thân 2 vần nào đó là “Cưỡng vận” hay “Thông vận” của nhau?

1. Thật ra, quan niệm cưỡng hay thông cũng là do con người định đoạt. Một vần nào đó bản chất là cưỡng, nhưng nếu được dùng nhiều lần quen đi trong những bài thơ hay thì dần dần cưỡng ấy sẽ được coi như thông mà thôi!!!

2. Một tiêu chuẩn là xét theo truyện Kiều, những vần nào Nguyễn Du có sử dụng, được coi như thông vận.

Một số ví dụ như sau:

***ONG, ÔNG, UNG LÀ THÔNG VẬN

Ví dụ:

Tuần trăng khuyết, đĩa dầu hao

Mặt mơ tưởng mặt, lòng ngao ngán LÒNG

Phòng văn hơi giá như ĐỒNG

Trúc se ngọn thỏ, tơ CHÙNG phím loan

Nguyễn Du - Truyện Kiều [251-254]

--------------------------------------

***ANG, OANG, ƯƠNG LÀ THÔNG VẬN

Ví dụ:

Cung thương làu bậc ngũ âm

Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một TRƯƠNG

Khúc nhà tay lựa nên XOANG

Một thiên “bạc mệnh” lại CÀNG não nhân

Nguyễn Du - Truyện Kiều [31-34]

--------------------------------

***NHƯNG ONG, ÔNG VÀ ƯƠNG LÀ CƯỠNG VẬN.

(Trong toàn bộ truyện Kiều, không có câu nào ông đi đôi với ương cả)

Cưỡng vận tuy miễn cưỡng cũng dùng được, nhưng nếu có thể thì nên tránh.

Trong truyện Kiều: Rất ít khi thấy xuất hiện Cưỡng vận. Cả bộ truyện, chỉ có thể nhặt ra được 4 lần Nguyễn Du sử dụng cưỡng vận mà thôi:

Lời con dặn lại một hai

Dẫu mòn bia đá, dám phai tấc VÀNG

Lạy thôi nàng lại rén CHIỀNG:

-“Nhờ cha trả được nghĩa CHÀNG cho xuôi” [771-774]

Tin nhà ngày một vắng TIN

Mặn tình cát lũy, nhạt TÌNH tào khang [1480]

Bao nhiêu đoạn khổ tình thương

Nỗi ông vật vã, nỗi nàng thở THAN

Dặn tôi đứng lại một BÊN

Chán tai rồi mới bước lên trên lầu [2002]

Lệnh quan ai dám cãi lời

Ép tình mới gán cho người thổ quan

Ông tơ thật nhẽ đa ĐOAN

Xe tơ sao khéo vơ QUÀNG vơ xiên [2600]

3. Nguyên tắc chung của các quan điểm liên quan đến thông vận và cưỡng vận là :

- Vần nào Nguyễn Du có sử dụng được kể như thông vận

- Vần nào Nguyễn Du không sử dụng là cưỡng vận.

TÓM LẠI:

Qua những ví dụ ấy, ta thấy rằng nếu biết dùng cưỡng vận một cách hạn chế, có chừng mực thì bài thơ vẫn hay như thường. Còn nếu lạm dụng, hoặc dùng không khéo thì... khó nghe lắm.

Và cuối cùng thì câu hỏi “Vần này Cưỡng hay Thông” vẫn còn bỏ ngỏ, chưa có câu đáp vậy.

✿✿✿✿✿✿✿✿✿✿✿✿

Trên đây là những điều căn bản mà các anh chị em cần phải hiểu khi bắt đầu tập làm thơ.

Mong rằng những điều này giúp ích được cho các ACE muốn làm quen cùng NGUYÊN TẮC LÀM THƠ.

Chúc tất cả vui vẻ và thành công!

 

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét